6 mẹo để trở nên đáng nhớ hơn khi phỏng vấn xin việc

2025-07-04 10:00
- Dưới đây là một số mẹo đảm bảo bạn để lại ấn tượng lâu dài trong buổi phỏng vấn tiếp theo, hãy cùng tham khảo nhé.

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết cảm giác hồi hộp trước một buổi phỏng vấn xin việc quan trọng. Bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trang phục chỉnh tề và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi. Nhưng làm thế nào để bạn không chỉ gây ấn tượng tốt mà còn thực sự đáng nhớ trong mắt nhà tuyển dụng? Dưới đây là một số mẹo đảm bảo bạn để lại ấn tượng lâu dài trong buổi phỏng vấn tiếp theo, hãy cùng tham khảo nhé.

Tạo ấn tượng đầu tiên mạnh mẽ

Bạn biết đấy, cảm giác đầu tiên thường rất khó phai, đặc biệt là trong buổi phỏng vấn xin việc. Trong vòng vài giây ngắn ngủi khi bạn bước vào phòng, bắt tay và nói lời chào, dù tuyển dụng kế toán, nhân sự hay marketing, người phỏng vấn đã bắt đầu hình thành ấn tượng ban đầu về bạn. Khi đã có ấn tượng tốt về bạn từ đầu, họ sẽ cởi mở hơn để lắng nghe những gì bạn chia sẻ sau đó và điều này sẽ giúp bạn dễ dàng ghi điểm trong suốt buổi phỏng vấn.

6 mẹo để trở nên đáng nhớ hơn khi phỏng vấn xin việc

Vậy làm sao để biến những giây phút đầu tiên thành lợi thế? Đừng lo, không quá khó đâu! Đầu tiên, hãy chú ý đến ngoại hình và trang phục, chọn một bộ đồ sạch sẽ, gọn gàng và phù hợp với văn hóa của công ty. Điều này thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với buổi phỏng vấn và nhà tuyển dụng.

Tiếp theo, khi gặp mặt, hãy tặng họ một nụ cười thân thiện và một cái bắt tay dứt khoát, tự tin. Cũng đừng quên giao tiếp bằng mắt nhé! Duy trì ánh mắt tự tin sẽ cho thấy bạn là người chân thành và tập trung. Quan trọng hơn là hãy mang đến một thái độ tích cực và nhiệt huyết. Sự nhiệt tình của bạn sẽ lan tỏa và khiến nhà tuyển dụng cảm thấy hứng thú hơn khi trò chuyện.

Kể những câu chuyện nêu bật thành tích

Thay vì chỉ kể lể về chức danh và trách nhiệm công việc của mình, hãy chia sẻ những câu chuyện ngắn nêu bật những thành tích của bạn hoặc cách bạn vượt qua thử thách. Những câu chuyện hấp dẫn hơn và dễ nhớ hơn đối với người phỏng vấn so với danh sách các kỹ năng.

Theo đó, đừng nói “Em giải quyết vấn đề giỏi lắm”, bạn có thể nói “Ở công việc trước, hệ thống của công ty gặp sự cố vào đêm trước khi ra mắt sản phẩm và em đã chỉ đạo nhóm tìm ra giải pháp tạm thời để buổi ra mắt vẫn được tiến hành đúng như đã định”.

Đề cập đến những điều đã tìm hiểu được về công ty

Khi bạn có thể nhắc đến một dự án gần đây của công ty, bày tỏ sự đồng cảm với sứ mệnh của họ hoặc thậm chí là đặt một câu hỏi thông minh liên quan đến những giá trị mà họ đề cao, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy “À, người này thực sự quan tâm đến chúng ta”. Họ sẽ thấy bạn không chỉ tìm kiếm một công việc, mà là tìm một nơi để gắn bó và cống hiến.

Vậy làm sao để việc tìm hiểu này thật sự mang lại hiệu quả cao nhất? Hãy đọc kỹ thông tin có trên website, theo dõi tin tức gần đây trên mạng xã hội và tìm hiểu về người phỏng vấn nếu có thể. Tuy nhiên, đừng chỉ đọc lướt qua mà nên ghi lại những từ khóa, câu nói ấn tượng hoặc những điều bạn thấy thú vị về công ty để bạn có thể dễ dàng tham khảo và đưa vào câu trả lời của mình trong buổi phỏng vấn.

Hãy là chính mình (trong phạm vi hợp lý)

Khi bạn cố gắng gồng mình để trở thành một hình mẫu nào đó mà bạn nghĩ nhà tuyển dụng muốn thấy, bạn sẽ dễ mất đi sự tự nhiên và chân thật. Điều này có thể khiến bạn trông cứng nhắc, thiếu tự tin hoặc thậm chí là không thành thật. Ngược lại, khi bạn là chính mình, bạn sẽ tỏa ra một năng lượng tự tin và thoải mái. Điều đó cho phép tính cách độc đáo của bạn được bộc lộ và những câu chuyện của bạn trở nên sinh động hơn.

Để đạt được hiệu quả này, hãy tìm hiểu điểm mạnh, kinh nghiệm và những gì bạn có thể mang lại. Song song đó, khi kể về kinh nghiệm hay thành tựu của mình, hãy dùng những câu chuyện thật, có cảm xúc và mang đậm dấu ấn cá nhân. Dù là chính mình nhưng không nên quá suồng sã hay thiếu chuyên nghiệp. Hãy luôn nhớ rằng đây là một buổi phỏng vấn xin việc, vì vậy bạn nên tránh những chủ đề nhạy cảm, sử dụng ngôn ngữ phù hợp và giữ thái độ tôn trọng.

Đặt những câu hỏi sâu sắc

Khi bạn đặt những câu hỏi sâu sắc, bạn không chỉ nhận được thông tin mà còn tạo ra một cuộc đối thoại ý nghĩa. Nhà tuyển dụng sẽ nhớ đến bạn như một người có tầm nhìn, biết đặt câu hỏi

đúng trọng tâm và thực sự muốn tìm hiểu về môi trường làm việc cũng như những thách thức sẽ gặp phải. Đó chính là điều khiến bạn nổi bật và để lại ấn tượng mạnh mẽ.

Một số câu hỏi có thể giúp bạn trở nên đáng nhớ hơn sẽ liên quan đến văn hóa công ty, thử thách công ty đang gặp phải cũng như cơ hội phát triển và thăng tiến. Tuy nhiên, đừng nên hỏi quá nhiều mà hãy chọn lọc 2-3 câu hỏi thật sự chất lượng để hỏi nhà tuyển dụng. Số lượng không quan trọng bằng chất lượng.

Đừng quên gửi email cảm ơn

Đây là một bước đơn giản, nhưng nhiều ứng viên bỏ qua. Một email cảm ơn ngắn trong vòng 24 giờ sẽ cho thấy bạn là người chu đáo, có trách nhiệm và thực sự trân trọng thời gian mà nhà tuyển dụng đã dành cho bạn.

Không chỉ vậy, đây còn là cơ hội vàng để bạn củng cố lại những điểm mạnh mà bạn đã thể hiện trong buổi phỏng vấn, làm rõ bất kỳ điều gì bạn cảm thấy chưa truyền đạt hết, hoặc thậm chí là bổ sung thêm một ý tưởng mới nảy ra sau cuộc trò chuyện. Nó cho thấy bạn là người có suy nghĩ, biết tổng hợp thông tin và luôn tìm cách cải thiện. Tất cả những điều này góp phần tạo nên một ấn tượng tích cực và giúp bạn ghi điểm thêm một lần nữa.

Trở nên đáng nhớ không có nghĩa là phải làm lố mà là phải xuất hiện với sự chuẩn bị, tự tin và chân thật cũng như chia sẻ điều làm cho bạn trở nên độc đáo. Đó là những gì đọng lại trong tâm trí nhà tuyển dụng và giúp bạn mở rộng cánh cửa việc làm.

Trang Trần

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những sao Việt 'nên duyên' bạn thân nhờ đóng chung một bộ phim